[NEWS] LƯƠNG TỐI THIỂU VÙNG ÍT NHẤT PHẢI PHÙ HỢP MỨC SỐNG TỐI THIỂU

Từ sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đến nay, giá nhiều hàng hóa thiết yếu và tiền thuê trọ tăng đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của công nhân lao động. Đặc biệt là những người lao động có thu nhập thấp. Ghi nhận tại một số tỉnh miền Tây, mức thu nhập của nhiều công nhân chưa đạt 5 triệu đồng/tháng nên cuộc sống khá chật vật.

Tiết kiệm hết mức có thể

Chiều ngày 9.3, gặp chị Nguyễn Thị Thu khi đang mua thực phẩm tại chợ nhóm bày bán dọc Quốc lộ 1 sau khi tan ca, chúng tôi nghe chị kể về “cuộc sống gói ghém chi tiêu”. Chị Thu làm tại một công ty may mặc trên địa bàn huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang, chồng chị làm công nhân của một công ty thủy sản cũng đóng ở huyện này.

Chị Nguyễn Thị Thu (Hậu Giang) đi chợ chuẩn bị cho bữa cơm chiều. Ảnh: văn sỹ

“Thu nhập của tôi vừa lương chính vừa tăng ca thì mỗi tháng cũng nhận được 4,7 triệu đồng, còn thu nhập của ông xã được 4,8 triệu đồng”. Với khoản thu nhập này, vợ chồng tôi tiết kiệm hết mức mới đủ nuôi 2 đứa con học trung học” - chị Thu nói.

Theo chị Thu, gần đây, giá xăng, phòng trọ, nhu yếu phẩm đều tăng nên cuộc sống gia đình càng bị bó buộc. Phòng trọ trước Tết giá 1,1 triệu đồng/tháng, từ tháng 2.2023 lên 1,3 triệu đồng rồi. Một ký đường, 1 chai dầu ăn 1 lít, hay gói bột ngọt nửa ký cũng tăng thêm từ 3.000 đến 4.000 đồng… mà lương thì “giậm chân tại chỗ” nên dù đã tiết kiệm chị Thu vẫn thiếu trước hụt sau.

“Tôi ăn sáng bằng cơm rang, mì gói, hay sẵn nấu cơm đem theo. Hơn 1 năm nay, bữa ăn 4 người gia đình tôi chưa bao giờ vượt quá 100.000 đồng. Tôi mong cấp trên và phía công ty quan tâm làm sao tăng lương thêm khoảng 1 triệu đồng/tháng so với hiện tại để công nhân chúng tôi bớt chật vật” - chị Thu chia sẻ.

Còn chị Trần Thị Yến, công nhân làm việc tại công ty thủy sản thuộc Khu công nghiệp An Nghiệp (tỉnh Sóc Trăng) cho biết, mức lương cơ bản của chị chưa được 3,5 triệu đồng/tháng. Vì vậy, chị luôn tranh thủ nhận làm tăng ca để có thu nhập khá hơn. Tuy nhiên, tổng tiền lương nhận được hằng tháng của chị cũng chỉ 5 triệu đồng. Còn chồng chị Yến làm công nhân may, thu nhập khoảng 4,7 triệu mỗi tháng. Theo chị Yến, dù cả hai cùng đi làm, nhưng chi tiêu phải “thắt lưng buộc bụng” mới đủ.

“Do quê ở xa nên chúng tôi thuê nhà trọ hết 1,2 triệu đồng và tiền điện nước nữa cũng ngốn hết 1,7 triệu đồng/tháng. Tiền gửi đứa nhỏ đi mầm non cũng gần 2 triệu đồng/tháng, đứa lớn học trung học cũng gần 2 triệu đồng tiền đóng học và ăn uống, rồi tiền đổ xăng 2 chiếc xe đi làm, đưa rước con… Vậy nên, bữa ăn của gia đình thường là gà công nghiệp, cá trê phi, cá rô phi, đậu hũ… để không phải mượn nợ thiếu hụt cho tháng sau” - chị Yến chia sẻ.

Cần đảm bảo lương tối thiểu vùng phù hợp với mức sống tối thiểu

Theo ông Võ Văn Hiền - Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Hậu Giang - “Qua nắm tình hình cho thấy, thu nhập của người lao động (không kể ăn ca) trung bình 5,3 triệu đồng/tháng (bao gồm cả làm thêm giờ). Đa số người lao động cho biết, tính cả lương và khoản tiền làm thêm giờ chỉ đủ trang trải các chi phí tối thiểu hằng ngày, đời sống gặp nhiều khó khăn. Tôi thường xuyên nghe công nhân than vãn thu nhập thấp và thực tế cũng có nhiều trường hợp nghỉ làm để ra làm lao động tự do.

Trước tình hình trên, Công đoàn các khu công nghiệp cũng kiểm tra, giám sát việc thực hiện chi trả tiền lương cho người lao động và họ cũng thực hiện khá tốt. Tuy nhiên, căn cơ vẫn là mức lương tối thiểu hiện tại quy định tại khu vực rất thấp, chưa đảm bảo cho đời sống người lao động. Còn doanh nghiệp thì cũng khó khăn nên bám sát quy định của Nhà nước mà chi trả. Tôi đề xuất Hội đồng Tiền lương Quốc gia sớm xem xét nâng mức lương tối thiểu để đảm bảo cuộc sống của công nhân lao động”.

Ông Nguyễn Văn Thanh - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Sóc Trăng - cũng cho biết, tuy mức thu nhập trung bình tiền lương của công nhân tại các doanh nghiệp trên 5 triệu đồng/tháng, nhưng thực tế có khoảng 30% người lao động có mức thu nhập dưới 4,5 triệu đồng. Sẽ có hàng nghìn lao động khó đảm bảo cuộc sống trong thời buổi vật giá tăng cao như hiện nay. “Doanh nghiệp bám theo các quy định trong thực hiện chế độ tiền lương cho công nhân, vì vậy, cần có chính sách đảm bảo tiền lương tối thiểu vùng phù hợp mức sống, nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ”.

Comments

@thuysan.work

Thiết bị thủy sản

Cập nhật giá thủy sản